TP Biên Hòa “thay da đổi thịt” nhờ những dự án nghìn tỷ
Loạt dự án ven sông
Theo VnExpress, đoạn sông Đồng Nai chảy qua TP Biên Hòa với tên gọi Sông Phố có chiều dài khoảng 7 km, từ khu vực giáp ranh huyện Vĩnh Cửu đến cầu Vàm Cái Sứt nối qua huyện Long Thành. Dòng sông có ý nghĩa quan trọng là mạch nguồn kết nối các hoạt động kinh tế, xã hội của người dân tại TP Biên Hòa. Vì vậy, việc phát triển các dự án ven sông được coi là lợi thế tiềm năng của thành phố này.
Tuy nhiên, chỉ có đoạn từ cầu Hóa An đến UBND tỉnh Đồng Nai dài 1,5 km đã được chỉnh trang với bờ kè, công viên ven sông, còn lại phần lớn là những xóm nhỏ lụp xụp có từ lâu đời. Vì vậy, cuối năm 2021, tỉnh Đồng Nai đã khởi công dự án tuyến đường ven sông Đồng Nai, đi qua phường Bửu Long, có chiều dài 5,2 km, với tổng vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện dự án, tỉnh còn thực hiện làm kè sông, công viên và hầm chui kết nối công viên hiện hữu qua cầu Hóa An.

TP Biên Hòa kỳ vọng, dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giúp các xóm nhỏ, ven sông ở phường Bửu Long vốn nhếch nhác trở nên quy củ, hiện đại. Đồng thời, tạo tuyến đường kết nối các xã Bình Hoà, Tân Bình… huyện Vĩnh Cửu gần hơn với trung tâm tỉnh Đồng Nai. Để thực hiện dự án, thành phố Biên Hòa phải thu hồi đất của 587 hộ dân, trong đó 302 hộ giải tỏa trắng.
Nhận thấy tầm quan trọng của những dự án hạ tầng ven sông, trong thời gian tới tỉnh Đồng Nai sẽ cho khởi công đường ven sông Cái (một nhánh sông Đồng Nai ôn Cù lao Phố). Đường ven sông Cái dài hơn 4,5 km, rộng 32 m, tổng mức đầu tư là hơn 574 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án này là giúp giảm tải áp lực giao thông, tạo cảnh quan cho đô thị ven sông qua trung tâm Biên Hòa ở phường Quyết Thắng, Thống Nhất và Tam Hiệp. Để thực hiện dự án đường ven sông Cái, TP Biên Hòa thu hồi đất đối với 476 trường hợp, trong đó 320 hộ phải giải tỏa trắng.
Giám đốc Ban quản lý dự án tỉnh Đồng Nai Ngô Thế Ân cho biết, công trình này đã hoàn tất các bước thủ tục đầu tư cơ bản, như duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn bước lập thiết kế bản vẽ thi công; phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát xây dựng.
Ông Ân thông tin: “Dự kiến các gói thầu xây lắp của dự án đường ven sông Cái sẽ được khởi công trong quý III/2022”.

Tỉnh Đồng Nai cũng đang đẩy nhanh hoàn tất thủ tục để sớm thực hiện trục đường trung tâm TP Biên Hòa. Tổng vốn đầu tư cho dự án này là 1.500 tỷ đồng. Tỉnh phấn đấu sẽ khởi công dự án này cùng thời điểm khởi công dự án đường ven sông Cái. Tuyến đường này được xác định trở thành trục chính vào trung tâm TP Biên Hòa từ ngã ba Vũng Tàu với đầy đủ công trình hạ tầng, khai thác lợi thế tạo cảnh quan đô thị ven sông Đồng Nai.
Cầu Thống Nhất qua sông Cái có chiều dài 560 m là điểm nhất của dự án này. Để nâng tầm bộ mặt đô thị ven sông sau khi cầu đi vào sử dụng, TP Biên Hòa đã chi 30 tỷ đồng hỗ trợ người dân giải tỏa hơn 400 lồng bè nuôi cá bè Tân Mai ở sông Cái nằm dưới chân cầu. Điều này nhằm hạn chế ô nhiễm nguồn nước tại sông Đồng Nai, đồng thời tạo thông thoáng lòng sông khi hai dự án đường ven sông và cầu Thống Nhất được đưa vào khai thác.
Tái khởi động dự án ven sông đã bị dừng 5 năm
Dự án cải tạo cảnh quan ven sông Đồng Nai từ trụ sở UBND tỉnh đến cầu Rạch Cát đã được chính quyền tỉnh chấp thuận khởi động trở lại sau 5 năm bị dừng. Dự án này có chiều dài hơn 1 km, tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật là hạng mục lấn sông Đồng Nai ra gần 100 m để làm đường, công viên và các khu dân cư.

Ông Lê Mạnh Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai, cho biết sau khi có kết luận của Trung ương và các nhà khoa học về dự án, tỉnh đã cho phép nhà đầu tư tiếp tục thực hiện công trình. Tuy nhiên, dự án này sẽ không được thực hiện theo thiết kế cũ mà sẽ thu hẹp diện tích lấn sông, tăng dự án công cộng như công viên, trường học, trung tâm thể thao… phục vụ người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết nhiều năm qua, việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng của TP Biên Hòa chưa xứng tầm với đô thị loại I. Vì vậy, trong thời gian tới thành phố sẽ có nhiều dự án quy mô lớn, tập trung vào khu vực dọc sông Đồng Nai, nhằm xây dựng, phát triển TP Biên Hòa.
Triển vọng đầu tư bất động sản
Theo một nghiên cứu của Savills Việt Nam cho thấy, phong thủy là một trong những yếu tố quan trọng để người dân chọn mua dự án có vị trí nhìn ra sông. Đặc biệt đối với người Việt Nam luôn quan niệm nhà hướng ra mặt nước sẽ mang lại nhiều may mắn, tài lộc.

“Môi trường thành phố bức bối, ngột ngạt nên người dân sẽ có xu hướng mua nhà gần sông, mặt nước. Đây vẫn sẽ là xu hướng của thị trường
bất động sản
thời gian tới” theo bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội nhận định. Vì vậy, sở hữu lợi thế từ sông Đồng Nai, trong thời gian tới TP Biên Hòa hứa hẹn sẽ thu hút nhiều dự án bất động sản căn hộ, chung cư cao cấp.
Bên cạnh đó, với định hướng phát triển không gian đô thị của TP Hồ Chí Minh về hướng Đồng, tỉnh Đồng Nai sẽ trở thành một trong những tâm điểm của dòng vốn đầu tư về bất động sản. Quy hoạch xây dựng vùng TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ nêu rõ, TP Biên Hòa sẽ là một trong những tiểu vùng đô thị trung tâm chú trọng phát triển kinh tế tổng hợp về dịch vụ, công nghiệp đa ngành, công nghệ cao.
Các chuyên gia bất động sản đánh giá TP Biên Hòa nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung sở hữu vị trí chiến lược của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, tỉnh Đồng Nai đã và đang được đầu tư những dự án hạ tầng có quy mô lớn, mang tính kết nối liên vùng gồm Sân bay quốc tế Long Thành, cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây; cao tốc Bến Lức – Long Thành; cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; đại lộ Phạm Văn Đồng hay kéo dài tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đến TP Biên Hòa…
Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm của TP Biên Hòa cũng đã được triển khai đồng loạt. Nổi bật trong đó là dự án cầu An Hảo, tuyến đường nối đường Bùi Hữu Nghĩa với quốc lộ 1K, đường ven sông Đồng Nai…
Có thể thấy, TP Biên Hòa được xem là khu vực hưởng lợi nhiều nhất từ việc gia tăng kết nối giao thông và liên kết vùng giữa Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh. Sở hữu những lợi thế từ các công tác quy hoạch, tỉnh Đồng Nai đã chủ động chuẩn bị các điều kiện tham gia hội nhập sâu với thế giới, bắt kịp sự phát triển chung của đất nước. Tại TP Biên Hòa đã chứng kiến sự “thay da đổi thịt” không chỉ về bộ mặt đô thị mà còn là sự phát triển về thương mại, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là trung chuyển hàng hóa gắn với Sân bay quốc tế Long Thành. Kết quả của những chính sách trên, tỉnh Đồng Nai đã có tốc độ phát triển cao, tỉnh luôn nằm trong nhóm dẫn đầu về tăng trưởng GDP, thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài.
Dự báo thời gian tới tỉnh Đồng Nai nói chung và TP Biên Hòa nói riêng sẽ trở thành tâm điểm thu hút dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ TP Hồ Chí Minh về đây, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.
Tham khảo ngay Bán nhà Biên Hòa để tìm hiểu và cập nhật thêm nhiều thông tin mới về thị trường bất động sản tại thành phố Biên Hòa – Đồng Nai.